Quan trắc

MỤC ĐÍCH QUAN TRẮC NGHIÊNG CÔNG TRÌNH

Công tác quan trắc nghiêng của công trình được thực hiện nhằm các mục đích sau:

  • Xác định các giá trị nghiêng, độ chuyển dịch tuyệt đối và tương đối của công trình so với trạng thái ban đầu;
  • Đánh giá khả năng làm việc, độ ổn định của nền móng công trình trong quá trình xây dựng và khai thác sử dụng sau này;
  • Tìm và phát hiện sớm sự chuyển vị nguy hiểm, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra;
  • Cung cấp số liệu phục vụ công tác Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
  • Cung cấp các tài liệu để phục vụ công tác nghiệm thu công trình.

PHƯƠNG PHÁP QUAN TRẮC NGHIÊNG CÔNG TRÌNH

Độ nghiêng của công trình trong giai đoạn khai thác sử dụng xuất hiện do nhiều nguyên nhân: Do tác động của tải trọng, tác động của gió, do ảnh hưởng của độ lún không đều. Vì vậy việc quan trắc nghiêng công trình trong giai đoạn này cần phải được thực hiện để theo dõi và đánh giá sự phát triển độ nghiêng của công trình theo thời gian.

Chu kỳ đo được chọn dài hay ngắn tùy thuộc vào tốc độ phát triển của độ nghiêng và do Đơn vị thiết kế hoặc Ban quản lý công trình quyết định. Giai đoạn thi công xây dựng nên đo vào các giai đoạn công trình đạt 25%, 50%, 75% và 100% tải trọng bản thân công trình. Khi tiến độ xây dựng đều thì có thể bố trí chu kỳ đo theo tuần hoặc tháng.

Quan trắc nghiêng công trình được tiến hành trong thời gian xây dựng và sử dụng cho đến khi công trình đạt được độ ổn định về độ lún và chuyển dịch. Việc quan trắc nghiêng công trình trong thời gian sử dụng công trình còn được tiến hành khi phát hiện thấy công trình xuất hiện các vết nứt lớn hoặc có sự thay đổi rõ nét về điều kiện làm việc của nhà và công trình.

Trước khi quan trắc nghiêng công trình cần xây dựng lưới các mốc chuẩn. Các mốc chuẩn này được coi là ổn định so với mặt phẳng nằm ngang của các chân cột và có thể sử dụng các điểm này để đặt chân máy chiếu ngược theo từng độ cao của các điểm cần đo. So sánh sự chênh lệch giữa các khoảng cách ngang của các điểm đo sẽ xác định được giá trị chuyển dịch ngang hoặc độ nghiêng của công trình theo từng hướng ở các độ cao khác nhau.

Để xác định được độ nghiêng của công trình cần so sánh giá trị đo của chu kỳ đầu tiên so với chu kỳ hiện hành, giá trị chênh lệch về số gia tọa độ chính là độ nghiêng công trình. Sử dụng máy toàn đạc điện tử tiến hành đo các điểm quan trắc nghiêng công trình bằng phương pháp tọa độ phẳng và cao độ (xyh). Các điểm mốc quan trắc nghiêng được gắn theo lớp tại các góc của tòa nhà, thường sử dụng gương giấy hoặc gương mini (đối với các công trình cao, không sử dụng được gương giấy).

Quá trình quan trắc nghiêng được tiến hành như sau:

  • Mỗi chu kỳ quan trắc nghiêng công trình phải đo kiểm tra độ chính xác của mốc chuẩn sử dụng đặt trạm máy với điểm định hướng và thể hiện trong báo cáo kết quả quan trắc;
  • Đặt máy tại điểm mốc chuẩn lần lượt ngắm tới các mốc quan trắc nghiêng được đánh dấu trên thân công trình và tiến hành đo các tọa độ phẳng tương ứng. Trường hợp đứng máy tại các mốc chuẩn không thấy hết các điểm quan trắc nghiêng thì bố trí thêm các điểm cọc phụ. Số liệu đo được là tọa độ phẳng và cao độ (xyh) lưu bằng bộ nhớ của máy toàn đạc.

Hình ảnh quan trắc nghiêng công trình


TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG

  • TCVN 9400:2012 “Nhà và công trình xây dựng dạng tháp – Xác định độ nghiêng bằng phương pháp trắc địa”.
Đăng ký nhận báo giá
Contact Me on Zalo