MỤC ĐÍCH QUAN TRẮC LÚN CÔNG TRÌNH
Công tác quan trắc lún công trình được thực hiện nhằm các mục đích sau:
- Xác định các giá trị mức độ lún lệch, tốc độ lún trung bình,… của công trình, trên cơ sở các tiêu chuẩn hiện hành và quy định của đơn vị thiết kế (nếu có) về đánh giá độ ổn định của công trình;
- Kết quả đo độ lún công trình dùng để đánh giá, kiểm chứng lại lý thuyết của các giải pháp thiết kế. Đồng thời nó còn là cơ sở để đưa ra những biện pháp cần thiết phòng chống sự cố có thể xảy ra;
- Cảnh báo sớm các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian thi công và khai thác sử dụng công trình;
- Cung cấp số liệu phục vụ công tác Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Cung cấp các tài liệu để phục vụ công tác nghiệm thu công trình.
Các công trình xây dựng thuộc những đối tượng sau đây đều phải tiến hành quan trắc lún:
- Các công trình cao tầng có khả năng bị lún;
- Các công trình nhạy cảm với lún không đều;
- Các công trình đặt trên nền đất yếu;
- Các loại đối tượng công trình khác khi có yêu cầu.
Độ lún của công trình cần phải đo một cách hệ thống và thông báo kết quả kịp thời theo chu kỳ, để nhận được các thông số đặc trưng về độ lún và độ ổn định của công trình.
Việc quan trắc lún công trình cần tiến hành thường xuyên cho đến khi đạt được độ ổn định về độ lún (từ 1mm đến 2mm trong một năm). Đồng thời việc quan trắc lún công trình cũng có thể dừng lại, nếu như trong quá trình quan trắc, giá trị độ lún theo chu kỳ của các điểm đo dao động trong giới hạn độ chính xác cho phép. Trong trường hợp nếu thấy công trình có những dấu hiệu chuyển dịch đột biến (lún nhiều, nứt, nghiêng, trượt) cần tổ chức quan trắc kịp thời, để xác định các thông số chuyển dịch, tìm ra nguyên nhân và mức độ nguy hiểm đối với công trình, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp cần thiết.
PHƯƠNG PHÁP QUAN TRẮC LÚN CÔNG TRÌNH
Để quan trắc lún công trình, cần phải xây dựng hệ thống mốc chuẩn làm cơ sở để xác định độ lún theo từng chu kỳ quan trắc. Mốc chuẩn là mốc khống chế độ cao, là cơ sở để xác định độ lún công trình. Mốc chuẩn cần thoả mãn các yêu cầu sau:
- Số lượng mốc từ 2 đến 3 mốc chuẩn để có thể kiểm tra chéo lẫn nhau;
- Giữ được độ cao ổn định trong suốt quá trình quan trắc lún công trình;
- Cho phép kiểm tra một cách tin cậy độ ổn định của các mốc khác;
- Cho phép dẫn độ cao đến các mốc đo lún một cách thuận lợi.
Vị trí các mốc chuẩn cần được đặt vào lớp đất tốt, ổn định (cát, sạn sỏi hoặc sét cứng có bề dày lớn), cách nguồn gây ra chấn động lớn hơn chiều sâu của mốc (đối với mốc chôn sâu). Khoảng cách từ mốc chuẩn đến công trình thường từ 50m đến 100m. Mốc chuẩn đo lún công trình được chia làm 3 loại: A, B và C. Hình dạng và cấu tạo được trình bày trong Phụ lục A – TCVN 9360:2012 “Quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học”.
Trước khi triển khai quan trắc lún công trình, các mốc chuẩn phải được đo kiểm tra và đánh giá độ ổn định, độ chính xác.
Mốc quan trắc lún là mốc được gắn trực tiếp vào các vị trí đặc trưng của các kết cấu chịu lực trên nền móng hoặc thân công trình, dùng để quan sát độ trồi lún của công trình. Mốc quan trắc lún được phân ra các loại sau:
- Mốc gắn tường, cột;
- Mốc nền móng;
- Các mốc chôn sâu dùng để đo độ lún theo lớp đất.
Đối với các công trình xây trên móng cọc hoặc móng bè số lượng mốc đo lún được tính bằng công thức:
N = S / F
Trong đó:
S là diện tích mặt móng (m2);
F là diện tích khống chế của một mốc (m2), thường lấy từ 100 m2 đến 150 m2.
Việc quan trắc lún công trình được tiến hành theo các chu kỳ, giá trị lún của từng mốc trong mỗi chu kỳ đo được xác định dựa trên chênh lệch cao độ giữa hai lần đo (hai chu kỳ). Cao độ của các mốc quan trắc lún công trình được dẫn từ hệ thống mốc chuẩn bằng phương pháp thủy chuẩn hình học tia ngắm ngắn. Sử dụng máy thủy chuẩn có độ chính xác cao và Mia mã vạch chuyên dụng để quan trắc lún công trình.
Trong quá trình đo đạc mốc chuẩn và mốc quan trắc lún công trình cần tuân thủ quy trình, hạn sai trong TCVN 9360:2012 “Quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học”.
Quá trình quan trắc lún tiến hành theo các chu kỳ, mỗi chu kỳ đo được tiến hành theo 2 bước:
- Bước 1: Đo lưới chuẩn. Lưới chuẩn là lưới nối các mốc chuẩn với nhau. Mục đích của việc đo lưới chuẩn là kiểm tra độ ổn định của các mốc chuẩn (độ ổn định của mốc chuẩn sau khi đánh giá phải thỏa mãn điều kiện theo Phụ lục I trong TCVN 9360:2012 “Quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học”).
- Bước 2: Dẫn độ cao từ các mốc chuẩn vào các mốc quan trắc lún (gồm lún nền, lún công trình chính và lún công trình lân cận) để xác định độ cao thực tế của các mốc trong chu kỳ hiện tại.
Giai đoạn thi công xây dựng (công trình lún nhiều), nên đặt mốc và đo chu kỳ đầu tiên sau khi thi công xong phần móng. Các chu kỳ tiếp theo nên đo vào các giai đoạn công trình đạt 25%, 50%, 75% và 100% tải trọng bản thân công trình. Khi tiến độ xây dựng đều thì có thể bố trí chu kỳ đo theo tuần hoặc tháng.
Hình ảnh quan trắc lún công trình
TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG
- TCVN 9360:2012 “Quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học”.